Giáo trình đàm phán quốc tế
Trong cuộc sống hàng ngày và quan hệ xã hội, một hoạt động hay một thao tác tối quan trọng, rất hay được tiến hành khi xử lý vấn đề nảy sinh giữa đôi bên (song phương) hay các bên (đa phương) là “đàm phán” – nói theo ngôn ngữ dân gian là “hiệp thương”, “thỏa thuận”, thậm chí là “mặc cả” – với muôn vàn cấp độ, chính thống và không chính thống, và biểu hiện khác nhau, từ dân sự cho tới chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa... Về mặt ý nghĩa thông thường, “đàm phán” có thể hiểu một cách chung nhất là, các bên tham gia lắng nghe lập luận, luận chứng, chứng cứ, diễn giải của nhau; phân tích, dồng ý hay bác bỏ các lập luận của đối phương để cuối cùng đi đến một thỏa hiệp chấp nhận được liên quan đến chủ đề được đặt ra. Trong trường hợp nếu không có nhượng bộ hay thỏa thuận nào thì đàm phán tạm thời rơi vào bế tắc và đòi hỏi các bên phải có nỗ lực tiếp tục có các biện pháp, nhằm khơi dòng lại quá trình đã bắt đầu, nếu muốn đạt được kết quả nào đó. Như vậy, đàm phán luôn luôn đòi hỏi các nguyên lý chung và kỹ năng chuyên biệt cần thiết và người đàm phán giỏi là người sử dụng kiến thức cũng như nguyên lý, kỹ năng đàm phán nhuần nhuyễn, linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả để thuyết phục đối phương và bảo vệ lợi ích của mình. Nếu không nắm được các nguyên tắc và kỹ năng đàm phán thì chắc chắn sẽ ít có cơ hội giành được thế chủ động để lèo lái cuộc đàm phán