Giông Tố
“… Trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ những chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa hoa – cũng không kém truỵ lạc – trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của Nghị Hách. Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát. Ở thành thị, thôi thì đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian hùng, “coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân trong các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ tọa những ban giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết; những tay cổ động cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, và là chủ dược phong, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc lào mốc, v.v… Tóm lại, tất cả những người tự xưng là “thượng lưu” nhưng kỳ thực chỉ biết có đồng tiền và danh hão, dùng mọi cách đầu cơ, mọi ngón bịp bợm. Theo tác giả thì đó là “những mẫu” hàng đặc biệt của công giới và thương giới”. Ai từng sống ở Hà Nội lâu năm, nhất là vào khoảng 1930-1939, chắc có thể tìm thấy ở những nét sơ sài trên, một con người có thật, bằng xương bằng thịt, đã làm giàu một cách trắng trợn như thế và cũng đã trở nên những tai to mặt lớn của xã hội đương thời….”