Nghiên cứu phát triển của web cùng các “thế hệ thư viện” và đề xuất mô hình thư viện đại học Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Giới thiệu

Trong khoảng 10 năm qua, các thư viện và nhà nghiên cứu về lĩnh vực thư viện - thông tin đã có nhiều hội thảo, bài viết về sự phát triển lên thế hệ thư viện 3.0. Tất nhiên các nghiên cứu, bài viết tập trung và xoay quanh các vấn đề như: thư viện số, công nghệ số, lưu trữ số, điện toán đám mây, dịch vụ web, tìm kiếm thông minh… và gần đây trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thì chuyển sang IoT, AI, BigData, Robot,…

Xem các giai đoạn phát triển của web tương ứng với các giai đoạn phát triển thư viện: web 1.0 là web thụ động, một phía như truyền hình, web 2.0 là giai đoạn nội dung có tác động thêm bởi người sử dụng, tức là có sự tương tác hai chiều và gọi là web xã hội, web 3.0 là web ngữ nghĩa và web 4.0 được dự đoán là web thông minh, lúc “con người và công nghệ hợp nhất” (Rohrbeck, Battistella Huizingh, 2012) [15], “kết nối Internet là liên tục”, “không gian vật lý và không gian ảo không còn giới hạn” (Farber, 2007) [6] thì có thể nói rằng cùng trong dòng chảy phát triển đi lên của nó, các “thế hệ thư viện” 1.0, 2.0, 3.0, 4.0 cũng sẽ thích nghi và phát triển tương ứng như vậy.

1. Chuyển động của nền cách mạng công nghiệp 1.0 đến 4.0

Theo Gartner (2015), CMCN 4.0 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong [8]. Nếu định nghĩa của Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab (2016) người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về CMCN 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học" [10].

alt

Hình 1. Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại (Nguồn Internet)

Công nghiệp 1.0:Đó là cơ giới hoá (mechanization), tức là dùng máy móc cơ khí thay thế một số công việc của con người. Nền công nghiệp này được đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước. Tính cách mạng ở đây là chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp bằng máy móc.

Công nghiệp 2.0:Đó là điện khí hoá (electrification) và sản xuất hàng loạt (mass production). Điểm đặc trưng là một nền sản xuất quy mô lớn, cho ra đời những đại công xưởng ngày nay (các nhà máy sản xuất điện thoại, ô tô, máy bay...).

Công nghiệp 3.0:Đó là số hoá (digitalization) và tự động hoá (automation). Điểm đặc trưng là việc máy móc có thể vận hành tự động dưới sự điều khiển của máy tính với chương trình viết sẵn (lập trình). Vai trò của con người nằm ở việc quản lý những máy móc tự động đó và kết nối chúng với nhau. Tính cách mạng ở đây là tính tự động hoá trong sản xuất. Nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng nằm ở việc phát minh và sử dụng máy tính trong sản xuất và kỹ thuật điều khiển tự động.

Công nghiệp 4.0:Đó là tính kết nối (connection) và tính thông minh (smart/ intelligence) của một hệ thống sản xuất. Người ta dùng từ cyber-physical system chính là để chỉ những hệ thống mà các (cụm) thiết bị vật lý được kết nối thông tin với nhau. Tính cách mạng ở đây, trong thực tế, chưa thực sự rõ ràng. Nền tảng khoa học và công nghệ cho nền sản xuất này vẫn còn non trẻ, chưa chín muồi (khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo...). Nền công nghiệp này mới manh nha, chưa thành hiện thực rõ nét. CMCN 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 với các nội dung trên dự báo sẽ thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, quản lý, vận hành của các ngành kinh tế, từ công nghiệp, dịch vụ cho đến nông nghiệp.

2. Sự phát triển của các thế hệ web

Theo Berners Lee (2006), Web 1.0 là thế hệ đầu tiên của Internet, chỉ cho đọc nội dung và người dùng bắt buộc công nhận thông tin một chiều đó. Web 1.0 bắt đầu như một loại không gian thông tin để thông báo dữ liệu cho mọi người với các tương tác rất hạn chế giữa người dùng và nhà cung cấp thông tin [3].

Web 2.0 với các đặc trưng là phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như Wikipedia, Facebook và Twitter.

Hassanzadeh và Keyvanpour (2011) cho rằng, Web 3.0 hoặc web ngữ nghĩa đã làm giảm thời gian chờ đợi các yêu cầu của người dùng và rút ngắn thời gian cho việc ra quyết định. Web 3.0 còn có thể hiểu là web của công nghệ ngữ nghĩa. Web ngữ nghĩa đại diện cho các tiêu chuẩn mở và mạng xã hội cho phép hợp tác giữa người dùng và máy móc hiệu quả hơn [9].

Web 4.0 sẽ là "web đọc, viết, triển khai và đồng bộ hoá", là web thông minh và luôn ở trạng thái sẵn sàng. Web 4.0 là một mạng cộng sinh các trang web với nhau, nơi con người và máy móc tương tác gần như “phẳng”.

Fowler và Rodd (2013) nói rằng “điện tử siêu thông minh là tác nhân chính", sẽ là định nghĩa và tính năng của Web 4.0, chúng cũng tổng hợp các đặc tính của Web 1.0, Web 2.0 và khẳng định rằng giữa các thế hệ web đó phát triển nhanh hơn, mỗi thế hệ web có thời gian sống ngắn hơn [7].

Aghaei, Nematbakhsh và Farsanim (2012) đã thảo luận về sự phát triển của Web 1.0 đến Web 4.0 và họ đã định nghĩa chúng như sau: Web 1.0 là một trang web kết nối thông tin, Web 2.0 là một trang web kết nối mọi người, Web 3.0 là web kết nối tri thức và Web 4.0 là một trang web kết nối thông minh [1].

alt

Hình 2.Sự phát triển của web theo thời gian
(Nguồn: 
http://www.scribd.com/doc/99678417/Web2-0-Web3-0-Web4-0)

alt

Bảng 1. Một số tính năng chính của web [16]

3. Sự phát triển của các “thế hệ thư viện” tương ứng

Các “thế hệ thư viện” gắn liền với sự phát triển của các thế hệ web. Thư viện 1.0 được hiểu tương ứng với Web 1.0 và Thư viện 2.0, 3.0 và 4.0 cũng như vậy. Thuật ngữ “Thư viện 1.0” bắt đầu được sử dụng và so sánh với thuật ngữ “Thư viện 2.0” được giới thiệu bởi Casey Michel (2006) [5].

Thư viện 2.0 đề cập đến việc áp dụng các công cụ của Web 2.0 cho các dịch vụ thư viện. Thư viện 2.0 thường được coi là ứng dụng của các công nghệ dựa trên web tương tác, cộng tác và đa phương tiện cho các dịch vụ thư viện và các bộ sưu tập [12].

Belling và các cộng sự (2011) giải thích rằng thuật ngữ Thư viện 3.0 đề cập đến việc sử dụng các công nghệ mới nổi như web ngữ nghĩa, điện toán đám mây, thiết bị di động và các công cụ được thiết lập như hệ thống tìm kiếm được liên kết, tạo thuận lợi cho sự phát triển, tổ chức và chia sẻ của người dùng tạo ra nội dung thông qua sự cộng tác liền mạch giữa người dùng, chuyên gia và thư viện [2]. Kwanya, Stilwell và Underwood (2013) đã định nghĩa Thư viện 3.0 là thế hệ thông minh, có tổ chức, một mạng lưới đường dẫn, thông tin liên kết [11].

alt

Bảng 2. Các phiên bản thư viện [16]

Dữ liệu tăng nhanh, đặc biệt là dữ liệu số cũng là vấn đề đặt ra đối với các thư viện trong tương lai. Thuật ngữ BigData, dịch vụ đám mây, nguồn mở… cũng xuất hiện. Dữ liệu lớn là tập dữ liệu có kích thước khổng lồ, được lưu trữ, quản lý hoặc phân tích bởi các thiết bị phần mềm, cơ sở dữ liệu (Manyika và các cộng sự, 2011) [13].

alt

Hình 3.Sự phát triển của các thế hệ thư viện [16]

4. Đề xuất mô hình phát triển thư viện cho các thư viện đại học Việt Nam

Dựa trên kết quả tìm hiểu, nghiên cứu về các giai đoạn phát triển web và các “thế hệ thư viện” trên đây, tác giả mạnh dạn đề xuất mô mình phát triển cho các thư viện đại học tại Việt Nam trong kỷ nguyên số, CMCN 4.0. Mô hình được thiết kế vẫn xoay quanh các yếu tố Công nghệ - Dữ liệu - Dịch vụ - Con người và tất nhiên có sự ảnh hưởng, tác động chính của Internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Robot, môi trường điện toán đám mây và các công cụ tương tác, giao tiếp cầm tay hiện đại như điện thoại thông minh, Ipad...

alt

Hình 4.Mô hình đề xuất cho các thư viện đại học Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0

Về công nghệ:Chắc chắn rằng cổng thông tin/ trang web vẫn là công cụ giao tiếp chính giữa người dùng với thư viện, nhưng đã và sẽ phát triển đến thế hệ cao là Web 4.0 (dữ liệu lớn, tích hợp, liên kết nhiều trang web với nhau, cộng sinh, thông minh) và các phần mềm tìm kiếm tập trung/ thông minh (One Search - Smart Search) của các công ty chuyên về sản phẩm, dịch vụ thư viện đang phát triển mạnh mẽ hiện nay vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các ứng dụng khám phá tài nguyên thông tin trong các thư viện. Sản phẩm thương mại như WORLDCAT (OCLC), SUMMON (EXLIBRIS), EDS (EBSCO), ENCORE (III-INNOVATIVE), PRIMO (EXLIBRIS)... Sản phẩm mã nguồn mở cho ứng dụng này đang được sử dụng nhiều là VuFind (Villanova University).

Tìm kiếm một lệnh hay tìm kiếm thông minh cung cấp khả năng một lệnh tìm nhưng truy cập tới không chỉ các bộ sưu tập in (tài liệu dưới dạng vật lý) mà còn bao gồm nhiều xuất bản điện tử, cơ sở dữ liệu điện tử từ các nhà xuất bản hay những bộ sưu tập số nội sinh, tài liệu truy cập mở...

Có hai xu hướng công nghệ với công cụ này là gom dữ liệu từ trước và khi nào có lệnh tìm thì mới truy vấn (Realtime). Mỗi công nghệ có một điểm mạnh riêng, ví dụ tích hợp dữ liệu từ trước sẽ cho kết quả nhanh hơn, còn realtime chậm nhưng kết quả cập nhật hơn.

Hiện nay các thư viện có thể mua sản phẩm tìm kiếm một lần/ thông minh về cài đặt trên máy chủ của đơn vị hoặc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp. Nếu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, các thư viện không cần hạ tầng công nghệ như máy chủ, bộ lưu trữ, cán bộ tin học... mà chỉ cần duy trì kết nối đến hệ thống để sử dụng.

Cho đến khi các thư viện vẫn còn các bộ sưu tập tài liệu in thì việc sử dụng một phần mềm quản trị thư viện tích hợp (Integrated Library System) để quản lý chúng là tất yếu. Có đầy đủ các sản phẩm thương mại và mã nguồn mở trong và ngoài nước cho công việc này. Các sản phẩm cũ như Virtua, Aleph, Voyager, Millennium, Symphony, Sabinet, Libol, Ilib, Verbrary... cho đến Sierra, Alma, Kipos, Koha... để các thư viện lựa chọn.

Các sản phẩm quản trị tài nguyên số cũng rất đa dạng và phong phú. OCLC có sản phẩm ContentDM, ExLibris có Digital Preservation Rosetta, Innovative có Digital Asset Management Vital... hoặc có thể sử dụng phần mềm mã nguồn mở Dspace (DuraSpace), Eprints (Đại học Southampton) là những gợi ý cho các thư viện.

Một giải pháp truy cập cơ sở dữ liệu điện tử từ xa giúp cho người dùng tìm kiếm, khai thác các tài liệu điện tử từ các nhà xuất bản đang được các thư viện sử dụng rộng rãi đó là EZPROXY của OCLC. Thông thường các nhà xuất bản chuyển giao các cơ sở dữ liệu điện tử cho các thư viện thông qua dải IP truy cập Internet của đơn vị đó. Giải pháp này giúp cho người dùng của các thư viện có thể truy cập thư viện từ bất cứ đâu (nhà riêng, quán cà phê...) nhưng vẫn đảm bảo yếu tố kỹ thuật như đang sử dụng dịch vụ thư viện từ đơn vị. Đã có những sản phẩm tương tự từ các công ty của Ấn Độ, tuy nhiên mức độ sử dụng chưa được rộng rãi như Ezproxy.

Để giúp người dùng/ sinh viên thuận tiện trong sử dụng các dịch vụ của thư viện, cũng như các ứng dụng khác trong trường đại học như: đăng ký môn học, sử dụng phòng thí nghiệm, truy cập Internet... thì các trường đại học đã phát triển các ứng dụng đăng nhập 1 lần (Single Sign On). Người dùng trong cơ sở dữ liệu LDAP chỉ dùng một tài khoản và mật khẩu duy nhất để đăng nhập tất cả các dịch vụ, giúp cho người dùng không phải nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu.

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin hiện đại hiện nay chính là sản phẩm LibApps của Springshare. Theo số liệu công bố trên trang web https://www.springshare.com/ (tính đến tháng 8/2018) thì hiện có 5.700 thư viện của 80 quốc gia với 120.000 người làm thư viện sử dụng công cụ cho công việc hàng ngày và hơn 10 triệu người sử dụng dịch vụ này đánh giá là công cụ hỗ trợ tích cực cho hoạt động học tập và nghiên cứu của họ. Các thư viện có thể sử dụng một hoặc nhiều dịch vụ của Springshare cho công việc chuyên môn.

LibApps hiện có các ứng dụng hỗ trợ các thư viện là: LibGuides, LibCMS, LibAnswers + Social, LibCal, LibInsight, LibCRM, LibStaffer, LibWizard. Ứng dụng LibGuides được các thư viện sử dụng nhiều nhất trong việc tạo lập các hướng dẫn sử dụng thư viện hiệu quả cho người dùng.

Về dữ liệu:Sự gia tăng nhanh chóng của các loại hình dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu số dẫn tới hình thành các trung tâm/ kho dữ liệu lớn là tất yếu. Vấn đề này đòi hỏi các thư viện cũng phải dần thích ứng để phát triển hạ tầng, tổ chức lưu trữ, bảo quản và khai thác hiệu quả.

Trong mô hình đề xuất, nhánh của dữ liệu thể hiện 4 yếu tố chính gồm tài liệu in, tài liệu số nội sinh, tài liệu truy cập mở và cơ sở dữ liệu điện tử. Đây cũng là 4 loại hình tài liệu chính hiện nay mà các thư viện đại học đang có và tập trung bổ sung. Sự dịch chuyển từ loại hình tài liệu in ấn sang tài liệu số và mức độ sử dụng thuận tiện, hiệu quả của nó làm cho cán cân đầu tư kinh phí của các thư viện đại học cũng dần lệch sang phía các dữ liệu điện tử là ebook và ejournal. Một nghiên cứu của chúng tôi ở thư viện đại học Nanyang thì mỗi năm việc sử dụng tài liệu điện tử của người dùng tăng từ 10% đến 20%, nên việc đầu tư tới vài trăm cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm hàng triệu sách điện tử và tạp chí điện tử so với một vài cơ sở dữ liệu điện tử của các thư viện đại học Việt Nam là sự khác biệt quá lớn.

Với một số lượng lớn các tạp chí học thuật truy cập mở (Open Access) đã công bố hiện nay, chủ đề khoa học phủ đều ở các lĩnh vực, các thư viện đại học Việt Nam cũng có thể tận dụng, giới thiệu đến người dùng để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin này, nó có thể tiết kiệm một lượng lớn tài chính mà các thư viện vẫn có nguồn tạp chí điện tử dồi dào.

Về dịch vụ thư viện:Đồng bộ với sự phát triển của công nghệ thì các dịch vụ thư viện cũng hướng sang chiều hướng hiện đại hoá từ tra cứu bằng mục lục điện tử, đặt mượn đến người dùng có thể tự mượn trả qua các thiết bị như selfcheck, trả tài liệu 24/7 qua bookreturn... đến các dịch vụ “cao cấp” hơn như đào tạo kiến thức/ năng lực thông tin (information literacy) có thể giúp người dùng từ A đến Z trong học tập và nghiên cứu, từ định hướng thông tin khoa học, tìm kiếm, chắt lọc thông tin, sử dụng thông tin hợp pháp, phòng tránh đạo văn đến phương pháp nghiên cứu khoa học, cách viết một bài báo khoa học hay hoàn thành công trình khoa học của học viên và nghiên cứu sinh. Một dịch vụ thư viện - thông tin hiện đại khác hiện nay được rất nhiều thư viện phát triển đó là dịch vụ hướng dẫn chủ đề (subject guides). Tại đây người làm thư viện đã “biên tập sẵn” các nội dung theo từng chủ đề khoa học giúp cho người dùng thư viện học tập/ nghiên cứu chủ đề nhanh chóng nắm bắt, định hướng thông tin, khai thác thư viện một cách hiệu quả nhất.

Việc sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn... hay các ứng dụng Email, Google+ để tương tác với người dùng nhằm chuyển tải thông tin cập nhật, nhanh chóng nên được các thư viện tận dụng, áp dụng rộng rãi.

Mặc dù tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu lớn và các dịch vụ thư viện hiện đại không hẳn chỉ phục vụ người dùng truy cập thư viện từ xa. Xây dựng không gian vật lý thư viện đẹp, phù hợp, hấp dẫn, tổ chức các phòng học nhóm, phòng thuyết trình, phòng chiếu phim, thu hút người dùng đến thư viện cũng được các thư viện đại học hàng đầu thế giới quan tâm. Với các slogan như Trung tâm Tri thức (Knowledge Hub), Kết nối - Giao lưu - Hợp tác (Connect - Communicate - Collaborate) đã khẳng định điều đó. Mô hình trên đây đã thể hiện đến thư viện là đến không gian cho sáng tạo, đến nơi giao lưu, kết nối để phát triển ý tưởng, tìm kiếm sự hợp tác và phát triển trong khoa học và công nghệ.

Về nhân lực thư viện:Vấn đề con người đóng vai trò quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố ở bất kỳ lĩnh vực nào và ở đâu. Trong sự phát triển lên các thư viện đại học hiện đại/ thông minh thì mỗi người làm thư viện cũng phải thích nghi, vươn lên với sự phát triển đó. Không còn là người làm thư viện đơn thuần, đảm bảo tốt các công tác chuyên môn thư viện như bổ sung, biên mục, phục vụ thông thường mà phải trở thành người “thủ thư số”.

Người làm thư viện trong thời đại số ngoài các kỹ năng được trang bị trong nhà trường như: xây dựng thư viện số, công nghệ mới, tìm kiếm thông tin, trình bày thông tin… phải là những chuyên gia trong lĩnh vực thông tin khoa học, của từng chủ đề đào tạo trong nhà trường. Họ có thể giảng dạy kiến thức/ năng lực thông tin, hướng dẫn trích dẫn/ đạo đức trong khoa học, hướng dẫn lưu trữ dữ liệu nghiên cứu, hướng dẫn học tập và nghiên cứu khoa học, cách viết một bài báo, luận án, luận văn…

Và “Hello, I am a Librarian” thì trong kỷ nguyên số phải được chuyển thành “Hello, I am an Expert”.

Kết luận

Ngay từ năm 2013, người ta đã bàn luận, đưa ra những ý tưởng về thời đại Web 5.0 khi mà chúng ta còn chưa bước vào thế giới Web 4.0. Và bây giờ trong bối cảnh CMCN 4.0 đã hiện hữu thì Web 4.0 và Thư viện 4.0 cũng phải phát triển tương ứng theo. Phát triển của thư viện gắn liền với phát triển của công nghệ, chúng ta thảo luận về các “thế hệ thư viện” tất nhiên qua các giai đoạn Thư viện 1.0, 2.0, 3.0 thì phải đến Thư viện 4.0.

Đề xuất mô hình thư viện đại học hiện đại và các phân tích trên đây có thể chưa đầy đủ nhưng có một điều chắc chắn rằng thư viện thế hệ 4.0 là thư viện thông minh, dựa trên nền tảng Internet of Things, các trang web cộng sinh, kết nối con người qua thế giới ảo 3D, với các nguồn dữ liệu lớn, thể hiện các trạng thái của con người qua trí tuệ nhân tạo, các biểu cảm, cảm xúc trên khuôn mặt, thay đổi qua thời gian thực, cũng như hỗ trợ từ các phần mềm mã nguồn mở, công nghệ nội dung, dịch vụ điện toán đám mây, trình bày các tác phẩm khoa học dưới dạng mỹ thuật, nghệ thuật hình ảnh... chính là thư viện của tương lai.

Các nghiên cứu và thảo luận tiếp theo về các công nghệ cho một thư viện hiện đại cần được tiếp tục để phục vụ hiệu quả nhất cho người sử dụng và cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Aghaei, S., Nematbakhsh, M. A. and Farsanim, H. K. Evolution of the world wide web: From web 1.0 to web 4.0 // International Journal of Web & Semantic Technology. - 2012. - No. 3(1). - P. 1-10.

2. Belling, A., Rhodes, A., Smith, J., Thomson, S. and Thorn, B. Exploring Library 3.0 and beyond. http://www.libraries.vic.gov.au/downloads/ 20102011_Shared_Leadership_Program_ Presentation_Day_/exploring_library_3.pdf. Truy cập ngày 15/10/2017.

3. Berners-Lee, T. Linked data - Design issues. http://www.w3.org/DesignIssues/LinkedData .html/. Truy cập ngày 20/6/2018.

4. Burrus, D. Bigthink: From Web 3.0 to Web 4.0. http://bigthink.com/videos/from-web-30-to-web-40. Truy cập ngày 20/6/2018.

5. Casey, M. LibraryCrunch: bringing you a library 2.0 perspective. http://www.librarycrunch .com/. Truy cập ngày 25/7/2018.

6. Farber, Dan. From semantic Web (3.0) to the WebOS (4.0) // International Journal of Web & Semantic Technology (IJWesT). - 2007. - Vol. 3 (No.1).

7. Fowler, J. and Rodd, E. Web 4.0: The ultra-intelligent electronic agent is coming. http://bigthink.com/big-think-tv/web-40-the-ultra-intelligent-electronic.... Truy cập ngày 25/7/2018.

8. Gartner. What Is Industrie 4.0 and What Should CIOs Do About It?. https://www.gartner.com/newsroom/id/3054921. Truy cập ngày 26/7/ 2018.

9. Hassanzadeh, H. and Keyvanpour, M. R. A machine learning based analytical frame-work for semantic annotation requirements // International Journal of Web & Semantic Tech nology. - 2011. - No. 2(2). - P. 27-38.

10. Klaus, Schwab. The Fourth Industrial Revolution, by Klaus Schwab. https://www.weforum.org/about/the-fourth-industrial-revolution-by-klaus-.... Truy cập ngày 27/7/2018.

11. Kwanya, T., Stilwell, C. and Underwood, P.G. Intelligent libraries and apomediators: Distinguishing between Library 3. 0 and Library 2.0 // Journal of Librarianship and Information Science. - 2013. - No. 45 (3). - P. 187-197.

12. Maness, J.M. Library 2.0 Theory: Web2.0 and Its Implications for Libraries // Webology. - 2006. - No. 3(2). http://www.w ebology.ir/200 6/v3n2/a25. html?q=link:webology.ir/. Truy cập ngày 15/6/2018.

13. Manyika, J., Chui, M., Brown, B., Bughin, J., Dobbs, R., Roxburgh, C. and Byers, A. H. Big Data: The Next Frontier for Innovation, Competition and Productivity. McKinsey. GlobalInstitute. [online]. [cited 2013.10.9.]. http://www.mckinsey .com/Insights/MGI/Research/Technology_and_Innovation/Big_data_The_next_frontier_for_innovation. Truy cập ngày 25/7/2018.

14. Norasak, S. Web 3.0. http://web- user.hsfurtwangen.de/~heindl/ebte-08ssweb-20-Suphakorntanakit.pdf. Truy cập ngày 15/7/2018.

15. Rohrbeck, R., Batti stella, C. and Huizingh, E. The road ahead for research on corporate foresight // Report on the corporate foresight track at the ISPIM Annual Conference. - 2012.

16. Younghee Noh. Imagining Library 4.0: Creating a Model for Future Libraries // The Journal of Academic Librarianship. - 2015. - No. 41. - P. 786-797.

________________________________

ThS. Lê Bá Lâm, Nguyễn Hồng Minh

Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 6. - Tr. 30-36.